Lịch sử Cần_Thơ

Thời phong kiến

Vào năm Mậu Tý 1708, ông Mạc Cửu dâng đất Hà Tiên cho chúa Nguyễn Phúc Chu. Vùng Cần Thơ lúc ấy vẫn chưa được tổ chức thành một đơn vị hành chính của Hà Tiên.

Sau khi Mạc Cửu mất vào năm Ất Mão (1735), Mạc Thiên Tứ nối nghiệp cha, khai phá thêm vùng hữu ngạn sông Hậu. Năm Kỷ Mùi 1739, Mạc Thiên Tứ thành lập thêm 4 vùng đất mới ở phía hữu ngạn sông Hậu để sáp nhập vào đất Hà Tiên: Long Xuyên (Cà Mau), Kiên Giang (Rạch Giá), Trấn Giang (Cần Thơ) và Trấn Di (Bắc Bạc Liêu).

Năm 1739, vùng đất Cần Thơ được khai mở và chính thức có mặt trên dư đồ Việt Nam với tên gọi là Trấn Giang, do Mạc Thiên Tích có công khai phá cùng thời với đất Cà Mau, Rạch Giá và Bắc Bạc Liêu. Sau đó cùng sáp nhập vào đất Hà Tiên. Mạc Thiên Tích đã sớm nhận thấy vị trí chiến lược của Trấn Giang - là hậu cứ vững chắc cho Hà Tiên trong việc chống lại quân Xiêm và quân Chân Lạp - nên đã tập trung xây dựng nơi đây thành Thủ sở với các thế mạnh cả về quân sự lẫn kinh tế và văn hoá.

Năm 1771, quân Xiêm tấn công Hà Tiên nhưng không chiếm được Trấn Giang. Năm 1774, nghĩa quân Tây Sơn kéo quân vào Nam đánh chiếm thành Gia Định, sau đó kéo xuống miền Tây và Trấn Giang. Sau trận Rạch Gầm – Xoài Mút (tháng 1 năm 1785), vào năm 1787, quân Tây Sơn rút khỏi các dinh trấn miền Tây, Trấn Giang trở lại dưới quyền bảo hộ của Nhà Nguyễn. Suốt thập niên 70 của thế kỷ XVIII, Trấn Giang trở thành một cứ điểm quan trọng và phát triển mạnh trong bối cảnh lịch sử đầy xáo động.

Năm 1808, dưới triều vua Gia Long, đất Trấn Giang thuộc trấn Vĩnh Thanh (trước đó từng có tên là dinh Long Hồ, dinh Hoằng Trấn, Vĩnh Trấn), một trong 5 trấn của Gia Định bấy giờ là: Phiên An, Biên Hoà, Vĩnh Thanh, Định Tường và Hà Tiên. Năm Quý Dậu 1814 (năm Gia Long thứ 12), huyện Vĩnh Định được thành lập. Vùng Cần Thơ thuộc huyện Vĩnh Định (Nam sông Hậu), trấn Vĩnh Thanh (có 2 huyện: Vĩnh An và Vĩnh Định), phủ Định Viễn. Huyện Vĩnh Định có vị trí địa lý: Đông giáp biển, Tây giáp Cao Miên, Nam giáp Hà Tiên, Bắc giáp huyện Vĩnh An và huyện Bình Minh. Vào thời Gia Long, huyện Vĩnh Định chưa chia tổng. Tổ chức hành chánh của huyện được chia thành 37 thôn.

Năm 1832, dưới triều vua Minh Mạng, ngũ trấn được đổi thành lục tỉnh là Biên Hoà, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An GiangHà Tiên. Đất Cần Thơ ngày nay (tức Trấn Giang ngày xưa) được lập thành huyện Vĩnh Định và cắt về phủ Tân Thành, tỉnh An Giang. Do có nhiều cuộc nội loạn ở vùng Nam Bộ, đặc biệt là cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi (18331835) nên thủ sở Trấn Giang vào thời Minh Mạng được tái thiết. Với tiềm năng kinh tế và vị trí địa lý của mình, thương mại Trấn Giang - Cần Thơ đã phát triển khá mạnh với chợ Sưu ở gần bến sông Cần Thơ, chợ Tân An liền hướng bến sông Bình Thủy và chợ Thới An Đông trên vùng gần cửa sông Ô Môn.

Vào năm Minh Mạng thứ 17 (Bính Thân 1836), địa bạ tỉnh An Giang (2 phủ, 4 huyện, 18 tổng, 161 thôn) được hoàn thành. Huyện Vĩnh Định có 4 tổng là Định An, Định Bảo, Định Khánh và Định Thới, phân cấp hành chánh cơ sở thành 30 thôn.

Năm 1839 (năm Minh Mạng thứ 20), huyện Vĩnh Định lại được đổi tên thành huyện Phong Phú, và cho huyện Phong Phú thuộc về phủ Tuy Biên (Châu Đốc), tỉnh An Giang. Huyện Phong Phú có 3 tổng và 31 thôn với huyện trị đặt tại thôn Tân An, ven bờ sông Cần Thơ.

Đến cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 là giai đoạn lịch sử có nhiều biến động dữ dội ở Nam Kỳ lục tỉnh. Thực dân Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường) theo hoà ước nhượng bộ của Nhà Nguyễn vào năm 1862. Vào các ngày 20, 22 và 24 tháng 6 năm 1867, Pháp vi phạm hòa ước 1862, chiếm 3 tỉnh miền Tây là Vĩnh Long, An GiangHà Tiên.[10]

Thời Pháp thuộc

Ngày 1 tháng 1 năm 1868, Thống đốc Nam Kỳ là Bonard quyết định sáp nhập huyện Phong Phú với vùng Bãi Sào (Sóc Trăng) lập thành quận đặt dưới sự cai trị của người Pháp, lập Toà Bố tại Sa Đéc. Hạt Sa Đéc (phủ Tân Thành) đặt lỵ sở tại Sa Đéc gồm có 3 huyện: Vĩnh An, An Xuyên và Phong Phú.

Huyện Phong Phú có địa giới hành chính Bắc giáp phủ Tân Thạnh và phủ Lạc Hóa, Tây - Bắc giáp huyện Tây Xuyên, Đông - Nam giáp huyện Vĩnh Định, phía Nam có nhiều rừng tràm và hổ báo. Huyện Phong Phú được phân cấp hành chính cơ sở gồm 8 tổng (3 tổng cũ, 5 tổng mới phía Nam sông Hậu). Vào thời điểm này ở huyện Phong Phú có 5 chợ chính là: Cần Thơ, Ô Môn, Bình Thủy, Trà Niềng và Cái Răng.

Ngày 30 tháng 4 năm 1872, Thống đốc Nam Kỳ ra Nghị định sáp nhập huyện Phong Phú với vùng Bắc Tràng (thuộc phủ Lạc Hóa, tỉnh Vĩnh Long trước đây) để lập thành một hạt, đặt Toà Bố tại Trà Ôn. Một năm sau, Tòa Bố từ Trà Ôn lại dời về Cái Răng.

Ngày 23 tháng 2 năm 1876, Thống đốc Nam Kỳ ra Nghị định mới lấy huyện Phong Phú và một phần huyện An XuyênTân Thành để lập hạt Cần Thơ với thủ phủ là Cần Thơ. Hạt Cần Thơ thuộc khu vực Bassac (Hậu Giang). Hạt Cần Thơ chia làm 11 tổng, 119 làng, dân số 53.910 người.

Năm 1899, Pháp đổi các đơn vị hành chính cấp hạt thành tỉnh và huyện đổi thành quận. Tỉnh Cần Thơ được thành lập theo Nghị định ngày 20 tháng 12 năm 1899 của Toàn quyền Đông Dương trên cơ sở đổi tên gọi tiểu khu hay hạt tham biện (arrondissement) thành tỉnh (province), kể từ ngày 1 tháng 1 năm 1900. Như vậy, tỉnh Cần Thơ là một trong 20 tỉnh ở Nam Kỳ lúc bấy giờ.

Năm 1917 tỉnh Cần Thơ có diện tích 2.191 km², gồm 4 quận: Châu Thành, Phụng Hiệp, Ô Môn, Cầu Kè. Năm 1921 có thêm quận Trà Ôn. Tỉnh lỵ tỉnh Cần Thơ đặt tại làng Tân An thuộc quận Châu Thành.

Năm 1928, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập các thành phố Bạc Liêu, Cần Thơ, Rạch Giá và Mỹ Tho có Ủy ban thành phố, thị trưởng do chủ tỉnh bổ nhiệm và có ngân sách riêng. Tuy nhiên sau này vẫn thường gọi là thị xã Cần Thơ.

Nghị định ngày 30 tháng 11 năm 1934 sắp xếp đất đai thị xã Cần Thơ thành 5 vùng và 1 vùng ngoại ô để thu thuế thổ trạch.

Từ năm 1876 đến năm 1954, địa giới hành chính tỉnh Cần Thơ dưới quyền kiểm soát của chính quyền Pháp không có sự thay đổi. Tuy nhiên, trong thời gian chiến tranh Đông Dương, chính quyền kháng chiến của Việt Minh có điều chỉnh một phần địa giới hành chính của tỉnh Cần Thơ. Năm 1947, chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập thị xã Cần Thơ thuộc tỉnh Cần Thơ. Trong 2 năm 1948 và 1949, tỉnh Cần Thơ nhận thêm huyện Thốt Nốt từ tỉnh Long Xuyên, nhận các huyện Long Mỹ, Gò Quao, Giồng Riềng, thị xã Rạch Giá từ tỉnh Rạch Giá vừa bị giải thể và nhận huyện Kế Sách từ tỉnh Sóc Trăng. Đồng thời, tỉnh Cần Thơ giao 2 huyện Trà ÔnCầu Kè về tỉnh Vĩnh Trà (gồm hai tỉnh Vĩnh LongTrà Vinh ngày nay).

Giai đoạn 1956-1976

Việt Nam Cộng hòa

Dân số Cần Thơ[11]
NămDân số
195442.000
195850.790
196577.690
1970109.483
1972170.931
1975190.242

Sau hiệp định Giơnevơ năm 1954, địa giới hành chính của tỉnh Cần Thơ ở miền Nam có nhiều thay đổi. Ban đầu chính quyền Quốc gia Việt Nam và sau đó là Việt Nam Cộng hòa ban đầu vẫn duy trì tên gọi tỉnh Cần Thơ cùng với thị xã Cần Thơ như thời Pháp thuộc.

Ngày 28 tháng 8 năm 1956, chính quyền Việt Nam Cộng hòa ban hành Dụ số 50 về việc bãi bỏ quy chế thị xã. Theo quyết định này, bãi bỏ Dụ số 13 ban hành ngày 30 tháng 5 năm 1954 về quy chế thị xã. Những thị xã hiện đặt dưởi quy chế trên, từ nay sẽ theo chế độ thôn xã, và được quản tri bởi một Ủy ban hành chính do tỉnh trường bồ nhiệm. Theo đó, tiến hành giải thể thị xã Cần Thơ vốn được lập nên trước đó, đồng thời địa bàn thị xã được chuyển thành xã Tân An trực thuộc tổng Định An, quận Châu Thành, tỉnh Cần Thơ.

Ngày 22 tháng 10 năm 1956, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm ký Sắc lệnh 143-NV để "thay đổi địa giới và tên Đô thành Sài Gòn – Chợ Lớn cùng các tỉnh và tỉnh lỵ tại Việt Nam". Địa giới và địa danh các tỉnh ở miền Nam thay đổi nhiều, một số tỉnh mới được thành lập. Theo Sắc lệnh này, địa phận Việt Nam Cộng hòa gồm Đô thành Sài Gòn và 22 tỉnh. Lúc này, tỉnh Phong Dinh được thành lập do đổi tên từ tỉnh Cần Thơ. Tỉnh lỵ tỉnh Phong Dinh đặt tại Cần Thơ và vẫn giữ nguyên tên là "Cần Thơ", về mặt hành chánh thuộc xã Tân An, quận Châu Thành.

Năm 1957, tỉnh Phong Dinh có 5 quận: Châu Thành, Phụng Hiệp, Ô Môn, Long MỹKế Sách. Ngày 23 tháng 2 năm 1957, tỉnh Phong Dinh nhận quận Kế Sách từ tỉnh Ba Xuyên (tức tỉnh Sóc Trăng trước đó) quản lý. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau vào ngày 16 tháng 9 năm 1958, tỉnh Phong Dinh giao lại quận Kế Sách cho tỉnh Ba Xuyên.

Ngày 16 tháng 09 năm 1958, quận Ô Môn đổi tên là quận Phong Phú. Ngày 18 tháng 3 năm 1960 tỉnh Phong Dinh lập thêm quận Đức Long trên cơ sở tách đất từ quận Long Mỹ. Ngày 24 tháng 12 năm 1961, hai quận Đức Long và Long Mỹ được bàn giao cho tỉnh Chương Thiện mới thành lập.

Ngày 2 tháng 7 năm 1962 tỉnh Phong Dinh lập thêm 2 quận Khắc Trung và Khắc Nhơn. Ngày 20 tháng 4 năm 1964, đổi tên 2 quận Khắc Trung và Khắc Nhơn thành Thuận Trung và Thuận Nhơn. Ngày 26 tháng 5 năm 1966 lập thêm quận Phong Điền. Ngày 23 tháng 4 năm 1968, lại lập thêm quận Phong Thuận.

Ngày 30 tháng 9 năm 1970, Thủ tướng chính quyền Việt Nam Cộng hòa Trần Thiện Khiêm ban hành Sắc lệnh số 115-SL/NV cải biến xã Tân An và các phần đất phụ cận (bao gồm xã Thuận Đức, ấp Lợi Nguyên thuộc xã An Bình và ấp Bình Nhựt thuộc xã Long Tuyền) thuộc quận Châu Thành, tỉnh Phong Dinh thành "thị xã Cần Thơ", là thị xã tự trị trực thuộc chính quyền Trung ương Việt Nam Cộng hòa, đồng thời kiêm tỉnh lỵ tỉnh Phong Dinh. Thị xã Cần Thơ là nơi đặt Bộ Tư lệnh Quân khu IV của quân đội Việt Nam Cộng hòa trong cuộc chiến.

Ngày 7 tháng 6 năm 1971, chính quyền Việt Nam Cộng hòa ban hành Nghị định số 585-NĐ/NV thành lập tại thị xã Cần Thơ 2 quận lấy tên là quận 1 (quận Nhứt) và quận 2 (quận Nhì). Địa phận của 2 quận này được phân chia thành 8 khu phố trực thuộc như sau:

  • Quận 1 (quận Nhứt) gồm năm khu phố: An Lạc, An Cư, An Nghiệp, An Hòa, An Thới.
  • Quận 2 (quận Nhì) gồm ba khu phố: Hưng Lợi, Hưng Phú, Hưng Thạnh.

Ngày 22 tháng 8 năm 1972, Tổng trưởng Nội vụ chính quyền Việt Nam Cộng hòa lại ban hành Nghị định số 553BNV/HCĐP/NÐ, đối các danh xưng "khu phố" của thị xã thành "phường".

Từ đó cho đến năm 1975, thị xã Cần Thơ và tỉnh Phong Dinh là hai đơn vị hành chính cấp tỉnh ngang bằng nhau theo sự phân chia sắp xếp hành chính của Việt Nam Cộng hòa. Tỉnh Phong Dinh gồm 7 quận: Châu Thành, Phụng Hiệp, Phong Phú, Thuận Nhơn, Thuận Trung, Phong Điền, Phong Thuận.

Chính quyền Cách mạng

Tuy nhiên phía chính quyền Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam và sau này là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam cùng với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không công nhận tên gọi tỉnh Phong Dinh mà vẫn gọi theo tên cũ là tỉnh Cần Thơ. Đồng thời, chính quyền Cách mạng vẫn duy trì thị xã Cần Thơ trực thuộc tỉnh Cần Thơ trong giai đoạn 1956-1969.

Địa giới hành chính tỉnh Cần Thơ có thay đổi một phần. Tháng 11 năm 1954, huyện Long Mỹ và các huyện Gò Quao, Giồng Riềng, thị xã Rạch Giá giao trở lại cho tỉnh Rạch Giá. Huyện Kế Sách giao về tỉnh Sóc Trăng. Huyện Thốt Nốt giao về tỉnh Long Xuyên. Tỉnh Cần Thơ nhận lại 2 huyện Trà ÔnCầu Kè như cũ. Năm 1956, hai huyện Trà ÔnCầu Kè đưa về tỉnh Vĩnh Long. Năm 1957, huyện Long Mỹ chuyển trở lại tỉnh Cần Thơ. Năm 1958, huyện Kế Sách chuyển về tỉnh Cần Thơ.

Năm 1963, huyện Thốt Nốt thuộc tỉnh An Giang (trước năm 1956tỉnh Long Xuyên) lại được đưa về cho tỉnh Cần Thơ quản lý. Tháng 6 năm 1966, thành lập thị xã Vị Thanh trực thuộc tỉnh Cần Thơ. Tháng 10 năm 1966, huyện Châu Thành thuộc tỉnh Cần Thơ được chia ra thành hai huyện là Châu Thành A và Châu Thành B. Cuối 1967 nhập lại là Châu Thành. Sau nhiều lần chia tách rồi sáp nhập Châu Thành Vòng Cung vào Châu Thành A, Châu Thành B nhập lại là huyện Châu Thành.

Năm 1969, chính quyền Cách mạng tách thị xã Cần Thơ khỏi tỉnh Cần Thơ và đặt thị xã trực thuộc Khu 9 (còn gọi là Khu Tây Nam Bộ). Năm 1971, thị xã Cần Thơ trở lại thuộc tỉnh Cần Thơ. Tháng 8 năm 1972, Thường vụ Khu ủy Khu 9 của phía chính quyền Cộng hòa Miền Nam Việt Nam và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết định tách thị xã Cần Thơ ra khỏi tỉnh Cần Thơ, hình thành Thành phố Cần Thơ trực thuộc Khu 9, bao gồm thị xã Cần Thơ và 6 xã vùng ven thuộc các huyện Ô Môn, Châu Thành trước đó. Đồng thời, chính quyền Cách mạng vẫn duy trì các đơn vị hành chính cấp quận, phường và khóm bên dưới giống như phía chính quyền Việt Nam Cộng hòa cho đến đầu năm 1976.

Như vậy cho đến năm 1976, tỉnh Cần Thơ và thành phố Cần Thơ là hai đơn vị hành chính ngang bằng nhau. Tỉnh Cần Thơ khi đó bao gồm các đơn vị hành chính trực thuộc: thị xã Vị Thanh, huyện Châu Thành, huyện Phụng Hiệp, huyện Ô Môn, huyện Long Mỹ, huyện Thốt Nốt và huyện Kế Sách.

Sau năm 1975

Sau ngày 30 tháng 04 năm 1975, chính quyền quân quản Cộng hòa miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ vẫn duy trì hai đơn vị hành chính cấp tỉnh ngang bằng nhau là tỉnh Cần Thơ và thành phố Cần Thơ cho đến đầu năm 1976. Lúc này, chính quyền Cách mạng cũng bỏ danh xưng "quận" có từ thời Pháp thuộc và lấy danh xưng "huyện" (quận và phường dành cho các đơn vị hành chánh tương đương khi đã đô thị hóa).

Ngày 20 tháng 9 năm 1975, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 245-NQ/TW về việc bỏ khu, hợp tỉnh trong toàn quốc "nhằm xây dựng các tỉnh thành những đơn vị kinh tế, kế hoạch và đơn vị hành chính có khả năng giải quyết đến mức cao nhất những yêu cầu về đẩy mạnh sản xuất, tổ chức đời sống vật chất, văn hóa của nhân dân, về củng cố quốc phòng, bảo vệ trị an, và có khả năng đóng góp tốt nhất vào sự nghiệp chung của cả nước". Theo Nghị quyết này, tỉnh Vĩnh Long, tỉnh Trà Vinh, tỉnh Cần Thơ (ngoại trừ huyện Thốt Nốt), tỉnh Sóc Trăng và thành phố Cần Thơ sẽ hợp nhất lại thành một tỉnh, tên gọi tỉnh mới cùng với nơi đặt tỉnh lỵ sẽ do địa phương đề nghị lên.

Nhưng đến ngày 20 tháng 12 năm 1975, Bộ Chính trị lại ra Nghị quyết số 19/NQ điều chỉnh lại việc hợp nhất tỉnh ở miền Nam Việt Nam cho sát với tình hình thực tế, theo đó tỉnh Cần Thơ (có cả huyện Thốt Nốt), tỉnh Sóc Trăng và thành phố Cần Thơ được tiến hành hợp nhất lại thành một tỉnh.

Tỉnh Hậu Giang cũ, giai đoạn 1976–1991

Theo Nghị định số 03/NĐ-76 ngày 24 tháng 2 năm 1976 và Quyết định số 17/QĐ-76 ngày 24 tháng 3 năm 1976, Chính phủ Việt Nam quyết định hợp nhất ba đơn vị hành chính cấp tỉnh ngang bằng nhau là tỉnh Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và thành phố Cần Thơ để thành lập tỉnh mới với tên gọi là tỉnh Hậu Giang.

Tỉnh lỵ tỉnh Hậu Giang lúc đó là thành phố Cần Thơ, đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc tỉnh Hậu Giang. Đồng thời, quận 1 (quận Nhứt) và quận 2 (quận Nhì) cũng bị giải thể, các phường xã trực thuộc thành phố Cần Thơ và cũng có một vài sắp xếp, thay đổi nhỏ. Theo đó, nhập hai phường Hưng Phú và Hưng Thạnh (thuộc quận 2 cũ) thành phường Thạnh Phú; thành lập mới phường Bình Thủy gồm một phần nhỏ đất đai trước thuộc xã Long Tuyền và giải thể phường An Thới, nhập địa bàn vào phường mới này; tách đất hai phường An Hòa và An Cư (thuộc quận 1 cũ) để lập mới phường Cái Khế. Thành phố Cần Thơ ban đầu gồm 8 phường: An Cư, An Hòa, An Lạc, An Nghiệp, Bình Thủy, Cái Khế, Hưng Lợi, Thạnh Phú và 2 xã: An Bình, Long Tuyền.

Ngày 21 tháng 4 năm 1979, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 174-CP[12] về việc chia một số phường xã thuộc thành phố Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang như sau:

  1. Chia phường An Lạc thành hai phường lấy tên là phường Tân An và phường An Lạc.
  2. Chia phường An Cư thành hai phường lấy tên là phường An Hội và phường An Cư.
  3. Chia phường An Nghiệp thành hai phường lấy tên là phường An Phú và phường An Nghiệp.
  4. Sáp nhập khóm 1 của phường An Hòa vào phường Cái Khế.
  5. Chia phường Cái Khế thành hai phường lấy tên là phường Thới Bình và phường Cái Khế.
  6. Chia phường Bình Thủy thành hai phường lấy tên là phường Bình Thủy và phường An Thới (gồm cả Cồn Sơn).
  7. Chia phường Thạnh Phú thành hai đơn vị lấy tên là phường Hưng Phú và xã Hưng Thạnh.
  8. Chia phường Hưng Lợi thành hai phường lấy tên là phường Xuân Khánh và phường Hưng Lợi.
  9. Chia xã Long Tuyền thành hai xã lấy tên là xã Long Hòa và xã Long Tuyền.
  10. Sáp nhập xã Mỹ Khánh, xã Giai Xuân và ấp Thới Thuận, ấp Thới Hòa, ấp Thới Ngươn của xã Thới An Đông thuộc huyện Châu Thành vào thành phố Cần Thơ.[13]

Sau này, các ấp Thới Thuận, Thới Hòa và Thới Ngươn của xã Thới An Đông được tách ra để thành lập mới phường Trà Nóc trực thuộc thành phố Cần Thơ. Đồng thời, toàn bộ phần còn lại của xã Thới An Đông cũng được sáp nhập vào thành phố Cần Thơ.

Ngày 5 tháng 5 năm 1990, thành phố Cần Thơ được công nhận là đô thị loại 2 trực thuộc tỉnh.

Ngày 26 tháng 12 năm 1991, Quốc hội Việt Nam ban hành Nghị quyết chia tỉnh Hậu Giang thành tỉnh Cần Thơtỉnh Sóc Trăng. Tỉnh Cần Thơ có 7 đơn vị hành chính gồm: thành phố Cần Thơ và 6 huyện: Thốt Nốt, Ô Môn, Châu Thành, Long Mỹ, Phụng Hiệp, Vị Thanh, có diện tích tự nhiên 3.022,30 km² với số dân 1.614.350 người. Tỉnh lỵ: thành phố Cần Thơ.

Tỉnh Cần Thơ cũ, giai đoạn 1992-2003

Tỉnh Cần Thơ chính thức đi vào hoạt động trở lại từ tháng 4 năm 1992. Tỉnh Cần Thơ lúc đó bao gồm thành phố Cần Thơ và 6 huyện là Thốt Nốt, Ô Môn, Châu Thành, Long Mỹ, Phụng Hiệp, Vị Thanh. Tỉnh lỵ là thành phố Cần Thơ trực thuộc tỉnh Cần Thơ.

Ngày 1 tháng 7 năm 1999, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 45/1999/NĐ-CP[14] về việc thành lập thị xã Vị Thanh, đổi tên huyện Vị Thanh thành huyện Vị Thủy và thành lập các phường, xã, thị trấn thuộc thị xã Vị Thanh và huyện Vị Thủy, tỉnh Cần Thơ.

Ngày 6 tháng 11 năm 2000, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 64/2000/NĐ-CP[15] về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Châu Thành để thành lập huyện Châu Thành A thuộc tỉnh Cần Thơ. Theo đó, tái lập huyện Châu Thành A trên cơ sở 22.139 ha diện tích tự nhiên và 163.357 nhân khẩu của huyện Châu Thành.

Từ đó cho đến cuối năm 2003, tỉnh Cần Thơ gồm 9 đơn vị hành chính trực thuộc: thành phố Cần Thơ, thị xã Vị Thanh, huyện Châu Thành, huyện Châu Thành A, huyện Phụng Hiệp, huyện Vị Thủy, huyện Long Mỹ, huyện Ô Môn, huyện Thốt Nốt.

Thành phố Cần Thơ trực thuộc tỉnh Cần Thơ khi đó gồm 15 phường: An Cư, An Hòa, An Hội, An Lạc, An Nghiệp, An Phú, An Thới, Bình Thủy, Cái Khế, Hưng Lợi, Hưng Phú, Tân An, Thới Bình, Trà Nóc, Xuân Khánh và 7 xã: An Bình, Giai Xuân, Hưng Thạnh, Long Hòa, Long Tuyền, Mỹ Khánh, Thới An Đông.

Trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Ngày 26 tháng 11 năm 2003, Quốc hội Việt Nam thông qua Nghị quyết số 22/2003/QH11[16] về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh. Theo đó, chia tỉnh Cần Thơ thành thành phố Cần Thơ trực thuộc trung ương và tỉnh Hậu Giang như sau:

  • Thành phố Cần Thơ trực thuộc trung ương có diện tích tự nhiên là 138.959,99 ha và dân số hiện tại là 1.112.121 người, bao gồm: diện tích và số dân của thành phố Cần Thơ cũ; huyện Ô Môn; huyện Thốt Nốt; một phần của huyện Châu Thành, bao gồm: thị trấn Cái Răng; các ấp Thạnh Mỹ, Thạnh Huề, Thạnh Thắng, Yên Hạ và 176 ha diện tích cùng với 2.216 ngưười của ấp Phú Quới thuộc xã Đông Thạnh; các ấp Thạnh Hóa, Thạnh Hưng, Thạnh Thuận, An Hưng, Thạnh Phú, Phú Khánh, Khánh Bình và 254,19 ha diện tích cùng với 1.806 người của ấp Phú Hưng thuộc xã Phú An; các ấp Phú Thành, Phú Thạnh, Phú Thuận, Phú Thuận A và 304,61 ha diện tích cùng với 1.262 người của ấp Phú Lợi thuộc xã Đông Phú; một phần của huyện Châu Thành A, bao gồm: xã Trường Long; xã Nhơn ái; xã Nhơn Nghĩa; ấp Tân Thạnh Đông và 84,7 ha diện tích cùng với 640 người của ấp Tân Thạnh Tây thuộc xã Tân Phú Thạnh.
  • Tỉnh Hậu Giang có diện tích tự nhiên là 160.772,49 ha và dân số hiện tại là 766.105 người, bao gồm: diện tích và số dân của thị xã Vị Thanh; huyện Phụng Hiệp; huyện Long Mỹ; huyện Vị Thuỷ; phần còn lại của huyện Châu Thành và huyện Châu Thành A, trừ phần diện tích và số dân của hai huyện này đã được điều chỉnh về thành phố Cần Thơ trực thuộc trung ương quy định như trên. Tỉnh lỵ tỉnh Hậu Giang đặt tại thị xã Vị Thanh.

Đến ngày 2 tháng 1 năm 2004, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 05/2004/NĐ-CP[17] về việc thành lập các quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn, các huyện Phong Điền, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, Thốt Nốt và các xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương. Thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, thành lập các đơn vị hành chính trực thuộc có 138.959,99 ha diện tích tự nhiên và 1.112.121 nhân khẩu; gồm 8 đơn vị hành chính là 4 quận: Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn và 4 huyện: Phong Điền, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, Thốt Nốt; có 67 đơn vị hành chính phường xã, thị trấn: 30 phường, 33 xã và 4 thị trấn.

Ngày 23 tháng 12 năm 2008, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 12/NĐ-CP[18] về việc điều chỉnh địa giới hành chính xã, thành lập xã thuộc huyện Thốt Nốt, huyện Vĩnh Thạnh, huyện Cờ Đỏ, thành lập quận Thốt Nốt và các phường trực thuộc, điều chỉnh địa giới hành chính huyện Cờ Đỏ để thành lập huyện Thới Lai thuộc thành phố Cần Thơ. Sau khi thành lập các quận, huyện mới, thành phố Cần Thơ có 140.161,60 ha diện tích tự nhiên và 1.147.067 nhân khẩu, có 9 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm các quận: Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn, Thốt Nốt và các huyện: Phong Điền, Cờ Đỏ, Thới Lai, Vĩnh Thạnh.

Ngày 24 tháng 6 năm 2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 889/QĐ-TTg[19] về việc công nhận thành phố Cần Thơ là đô thị loại I trực thuộc trung ương.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Cần_Thơ http://www.canthotoday.com/new/news/Can-Tho-Qua-Ca... http://id.loc.gov/authorities/names/no2005071620 http://d-nb.info/gnd/7603341-7 http://www.example.org //tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?language=v... http://www.canthopromotion.vn/webnew/index.php?opt... http://chonoicantho.vn/diem-du-lich-can-tho/ten-go... http://baocongthuong.com.vn/nganh-cong-thuong-than... http://gafin.vn/20120629072254419p0c33/gdp-can-tho... http://cantho.gov.vn/wps/portal/!ut/p/b1/vZTNboMwD...